“Nếu ngày đó tôi vững vàng hơn, kinh nghiệm hơn thì không đến cơ sự như hôm nay. Quyết định liên doanh với Colgate là sai lầm lớn nhất trong đời kinh doanh của tôi” – tiếc nuối làm giọng ông Nhơn chùng xuống.
Quyết định bán cho Colgate là sai lầm lớn nhất
Đến bây giờ, vẫn còn nhiều người đặt câu hỏi: Nếu ông Nhơn lúc ấy không liên doanh với Colgate, liệu Dạ Lan có biến mất trên thị trường?
Trong một lần phỏng vấn báo chí, ông Nhơn thừa nhận ngay cả thời điểm kem đánh răng Dạ Lan đang phát triển rất tốt, ông cũng chưa ý thức được thương hiệu và giá trị của nó là gì. Vậy câu trả lời cho câu hỏi trên là: Dạ Lan có thể vẫn tồn tại, nhưng có thể sống dở, chết dở. Bởi vì, một sản phẩm không thể tồn tại khi người chủ không hiểu được giá trị của thương hiệu. Ông Nhơn chỉ hiểu được điều này sau khi bán cho Colgate. Hơn nữa, nếu không liên doanh với Colgate, Dạ Lan sẽ trở thành đối thủ trực tiếp. Và Colgate với ý thức xây dựng thương hiệu bài bản, cách thức quản trị chuyên nghiệp, dây chuyền sản xuất hiện đại, tài lực mạnh hơn thì Dạ Lan không phải là đối thủ xứng tầm.
Giá trị thương hiệu là cái gì?
Sự thiếu hiểu biết còn thể hiện trong một câu chuyện thuộc loại “thâm cung bí sử”, vừa mừng, vừa xấu hổ, vừa buồn cười mà chỉ người trong cuộc mới biết. Ấy là khi đàm phán liên doanh giữa hai bên Dạ Lan và Colgate. Sau hơn một năm bay đi bay về, điều nghiên và phân tích thị trường, bên Colgate yêu cầu có phiên cuối cùng “chốt” các vấn đề đã bàn thảo. Nào là giá trị nhà máy, nào là cam kết tiếp tục sử dụng lao động, nào là phân định vị trí quản lý… Cuối cùng, bên phía Colgate ngạc nhiên hỏi: “Thế còn vấn đề giá trị thương hiệu đâu, sao các ông không đưa ra?”.
Ông Nhơn kể, lúc ấy bên phía Việt Nam mình ai cũng ngơ ngác, không hiểu “cái giá trị thương hiệu” kia là cái gì! Khi ấy cũng đã cuối giờ, ông cố gắng trấn tĩnh và nói vì lý do sức khỏe nên cuộc đàm phán để hôm sau bàn tiếp.
Rồi nhờ các chuyên gia tư vấn cấp tốc mà buổi đám phán cuối cùng, giá trị thương hiệu của Dạ Lan đã được định giá xấp xỉ 3 triệu USD. Đấy chẳng phải là chuyện “vừa mừng, vừa xấu hổ, vừa buồn cười” là gì!
Thế nhưng, đến nay, ông Nhơn cho biết, muốn đạt được chỉ 5% thị phần, 3 triệu USD là con số quá bé bỏng.
Nên nhớ, P/S sống được đến hôm nay là nhờ họ được Unilever mua lại và đầu tư. Nhiều người nhận định ông Nhơn sai lầm khi bán thương hiệu Dạ Lan. Tuy nhiên, về mặt tài chính, đây là thương vụ quá thành công. (Lúc đó, ông Nhơn chỉ định giá tài sản vật chất của Dạ lan là gần 800 nghìn đô-la Mỹ). Quan trọng hơn, ông Nhơn đã hiểu được bài học làm thương hiệu.
Cơ duyên thần kỳ mua lại thương hiệu
May mắn cho ông Nhơn là Palmolive tuy mua thương hiệu Dạ Lan nhưng không đăng ký bảo hộ độc quyền. Ông Nhơn đã quyết tâm đưa Dạ Lan trở lại thương trường khi khẳng định: “Khi nhận ra mình đã sai lầm để thương hiệu Dạ Lan biến mất, tôi tiếc nuối, đau buồn hơn ai hết. Bây giờ nhớ lại những ngày gian truân, nhờ biết bao ân nhân giúp đỡ mới tạo dựng nên thương hiệu, càng thấy mình phải có trách nhiệm làm tốt hơn, nên tôi đã tự nhắc nhở mình bằng câu “Dạ Lan – Sự trở lại hoàn hảo”.
Điều đó quả không dễ chút nào, khi mà gần 80% thị phần kem đánh răng hiện đang thuộc về Unilever (với 2 thương hiệu P/S và Close-Up) và Colgate Palmolive (với thương hiệu Colgate). “Dạ Lan sẽ chia trong 15% còn lại, có sao đâu. Người tiêu dùng thuộc thế hệ cũ vẫn còn nhớ thương hiệu Dạ Lan, nên đây là một lợi thế mà tôi có thể tận dụng”, ông Nhơn lạc quan.