07/11/2022
Cách đây hàng chục năm, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp tên tuổi gắn với các sản phẩm như xà bông cô Ba, kem đánh răng Dạ Lan, mì Miliket, xá xị Chương Dương, giày Thượng Đình… được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, cùng với việc chuyển đổi nền kinh tế và hội nhập với thế giới, không ít tên tuổi dần rơi vào quên lãng hoặc bị thâu tóm.
Với uy tín thương hiệu và sự hoài cổ của người tiêu dùng, nhiều thương hiệu hàng chục năm tuổi đang quyết tâm thay đổi, cấu trúc và vực dậy tên tuổi của mình như Wonderfarm, Biti’s, Bông Bạch Tuyết, Miliket, Xá xị Chương Dương,…
Xà phòng Cô Ba
Ngay từ thời còn Pháp thuộc, người Việt Nam không ai là không biết đến tên tuổi của thương gia Trương Văn Bền và đi liền với nó là thương hiệu sản phẩm “xà phòng Cô Ba” nổi tiếng.
Không chỉ nổi tiếng khắp ba miền Bắc Trung Nam mà thương hiệu xà phòng Cô Ba còn nổi danh ở xứ Miên, Lào… Ở trong nước, thương hiệu xà phòng Cô Ba còn đánh bật cả xà phòng của người Tàu để chiếm lĩnh tới 70% thị phần tiêu thụ.
Trong mấy chục năm liền từ khi ra đời năm 1932 đến trước những năm 90 sản phẩm xà phòng Cô Ba tung hoành trên thị trường với mức tiêu thụ “khủng” đến 600 tấn/tháng. Trải qua nhiều thời gian, thương hiệu xà phòng Cô Ba thuộc về công ty bột giặt Phương Đông.
Theo ông Nguyễn Đức Hiệp, Phó giám đốc công ty, sở dĩ công ty vẫn tiếp tục sản xuất xà bông Cô Ba bởi nhiều người lớn tuổi vẫn còn ưa dùng. “Và trên hết, chúng tôi muốn bảo tồn một thương hiệu truyền thống khắc sâu lòng người hơn 80 năm qua”, ông Hiệp nói.
Kem đánh răng Dạ Lan
Không có thời gian hoành hành thị trường dài như xà phòng Cô Ba nhưng kem đánh răng Dạ Lan cũng là thương hiệu Việt “lẫy lừng” một thời đối với người tiêu dùng Việt Nam. Ra đời từ năm 1988 kem đánh răng Dạ Lan là kết quả hợp tác giữa kỹ sư Lưu Trung Nghĩa và Cơ sở sản xuất Sơn Hải (tiền thân của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Sơn Hải).
Là sản phẩm có chất lượng tốt, giá cả hợp túi tiền người Việt Nam thời bấy giờ kem đánh răng Dạ Lan không chỉ được tiêu thụ mạnh tại các vùng đô thị lớn, mà còn len lỏi được đến tận các vùng nông thôn từ Miền Nam đến tận miền Bắc.
Ông Trịnh Thành Nhơn, Tổng giám đốc công ty Hóa mỹ phẩm Quốc tế ICC, giải thích cho việc trở lại thị trường của Dạ Lan: “Dạ Lan là thương hiệu được người tiêu dùng yêu thích, từng chiếm lĩnh 70% thị phần kem đánh răng nội địa những năm 1993 – 1994. Vì vậy, tôi rất kỳ vọng khi đưa Dạ Lan trở lại thị trường Việt Nam”.
Kem đánh răng Hynos
Cùng kỳ vọng và quyết tâm như ông Nhơn, ông Nguyễn Hùng Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần P/S (trước đây là Giám đốc công ty Hóa phẩm P/S), cũng quyết định tái sản xuất kem đánh răng Hynos, một sản phẩm từng nổi như cồn vào thập niên 1960, 70 tại miền Nam.
Cao Sao Vàng
Cao Sao Vàng – thương hiệu nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả Liên Xô và các nước Đông Âu từ những năm 60 – 70 của thế kỷ trước. Hộp cao Sao Vàng “thần thánh” với người Việt Nam dường như trị được bách bệnh. Tôi nhớ những năm 80 của thế kỷ trước, gia đình nào cũng có hộp cao nhỏ hình sao vàng bên ngoài. Hễ cứ nhức đầu, sổ mũi, chóng mặt, say tàu xe, đau bụng, bong gân… lại dùng đến cao Sao Vàng. Thậm chí có người “tín nhiệm” cao Sao Vàng đến nỗi hễ cứ đổ bệnh là nuốt thứ cao cay nồng này vào bụng…
Sau một thời gian im ắng, Công ty cổ phần Dược phẩm OPC và Công ty cổ phần dược Trung ương 3, hai đơn vị sản xuất cao Sao Vàng đã đưa sản phẩm này trở lại tái xuất mạnh mẽ trên thị trường. Điều đáng nói là sản phẩm này vẫn ảm đạm ở trong nước nhưng bỗng dưng được người nước ngoài ưa chuộng.
Số lượng bán ra của cao Sao Vàng luôn trong tình trạng “cháy hàng” tại các website bán hàng trực tuyến nổi tiếng như eBay hay Amazon, các gian hàng dược phẩm online ở nhiều nước như Anh, Mỹ, Australia… Ngay cả phải mua với giá lẻ khoảng 40 nghìn đồng mỗi hộp, đắt gấp 10 lần giá nội địa, chưa kể phí vận chuyển mà khách vẫn chấp nhận. Cao Sao Vàng giờ đã có mặt ở 15 nước trên thế giới.
Bia Trúc Bạch
Từng trở thành một phần hình ảnh Hà Nội thời bao cấp nhưng vì nhiều lý do, bia Trúc Bạch đã âm thầm rời khỏi thị trường. Năm 2008, công ty cổ phần Bia rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco) mới khôi phục lại thương hiệu này. Cơ sở để Habeco kỳ vọng vào sự trở lại của bia Trúc Bạch là do sản phẩm vẫn đang được nhiều người dân Hà Nội nhắc nhớ. Đặc biệt, sản phẩm được kết hợp giữa bí quyết sản xuất bia hơn 120 năm nay và sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu từ Czech và Pháp.
Không dễ dàng để một thương hiệu có thể khiến người tiêu dùng “say như điếu đổ”, đánh bại được những thương hiệu nổi tiếng nước ngoài hay cạnh tranh được về giá thành, chất lượng đặc biệt trong bối cảnh mở cửa, hội nhập, những “ông lớn” ngoại quốc xuất hiện ngày càng nhiều với tiềm lực tài chính mạnh và quản trị tốt.
Với những cố gắng và thay đổi trong việc phát triển, nâng cao sản phẩm của các thương hiệu ” vang bóng một thời”, người tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể tin tưởng rằng những sản phẩm này sẽ được “hoàn sinh” bởi quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp sẽ tiếp tục gìn giữ và tạo dựng thương hiệu bền vững hơn.
Bài viết liên quan
Ngược dòng ký ức, bạn có biết tất cả người Việt những năm 80-90 sử dụng sản phẩm thiết yếu gì không?
Nhiều điều bạn chưa biết về những sản phẩm huyền thoại vang bóng một thời
Dạ Lan năm ấy – thương hiệu thành công vang dội nhờ phương thức quảng cáo có một không hai
Bí mật về về những sản phẩm huyền thoại vang bóng một thời gắn liền với đời sống cha mẹ chúng ta