Top 10 vấn đề răng miệng phổ biến nhất của người Việt

 07/11/2022

90% người Việt đang mắc các bệnh về răng miệng, chủ yếu là sâu răng, viêm nướu, hôi miệng… Tuy nhiên, đa số họ chỉ đi khám khi diễn biến bệnh đã nặng và ảnh hưởng đến cuộc sống.

Nếu không có sự can thiệp của nha sĩ, bệnh sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhai và thẩm mỹ. Vì vậy chăm sóc xử trí như nào cho đúng là rất quan trọng.

Dưới đây là Top 10 vấn đề răng miệng phổ biến nhất của người Việt và cách điều trị.

1. Răng nhạy cảm

Nếu răng bạn đau, ê buốt khi uống đồ lạnh hoặc nóng, những dấu hiệu này cho thấy răng của bạn có thể bị nhạy cảm. Nguyên nhân có thể là do răng bị sâu, răng bị nứt gãy, vết trám hỏng, bệnh nướu răng, mòn men răng hoặc lộ chân răng do tụt nướu.

Điều trị: Cách điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhạy cảm. Hãy đến gặp nha sĩ để được xác định nguyên nhân và lựa chọn cách thức điều trị phù hợp, khi tình trạng này làm bạn khó chịu.

2. Răng sứt mẻ

Thường gặp khi nhai mạnh vật cứng, tật nghiến răng, ăn hay uống quá nóng, quá lạnh, chấn thương…Nếu nhẹ thường không cần điều trị gì.

Điều trị: Với vết mẻ răng lớn gây ê buốt hay ảnh hưởng thẩm mỹ có thể điều trị trám thẩm mỹ, bôi thuốc chống ê buốt, trám răng thông thường, nặng hơn có thể phải điều trị tủy hay làm phục hình, mặt dán sứ vì có những vị trí trám răng khó lưu giữ và hay bị bong vết trám khi ăn nhai.

3. Đau hoặc chảy máu nướu

Đau hoặc chảy máu nướu có thể là dấu hiệu của viêm nướu, đây là giai đoạn sớm và có thể hồi phục của bệnh nướu răng. Chảy máu nướu đôi khi chỉ là kết quả của việc chảy răng quá mạnh hay dùng chỉ nha khoa không đúng cách.

Điều trị: Vệ sinh đúng cách (chải răng, chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng) và lấy cao răng định kỳ sẽ ngăn ngừa hiệu quả viêm nướu.

4. Đau miệng

Đau miệng có thể là do đau do loét, rộp môi do nhiễm herpes, bạch sản niêm mạc miệng và nhiễm nấm Candida. Đau miệng có thể là triệu chứng của một bệnh nào đó; nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm đôi khi là do kết quả quá trình kích thích của mắc cài, hàm giả hoặc gờ sắc bén của một răng hoặc vết trám bị nứt gãy.

Điều trị: Nếu đau miệng kéo dài một tuần hoặc hơn, hãy đến gặp nha sĩ để được kiểm tra.

5. Hôi miệng

Hôi miệng có thể do thức ăn, do không chảy răng thường xuyên, bị khô miệng, hút thuốc lá hoặc liên quan đến những tình trạng bệnh toàn thân. Hôi miệng kéo dài cũng có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh nướu răng.

Điều trị: Chải răng ít nhất 2 lần/ngày, chải lưỡi, và dùng chỉ nha khoa hằng ngày là rất cần thiết để giảm thiểu hôi miệng và ngăn ngừa bệnh nướu răng. Nếu bạn lo lắng về tình trạng hôi miệng của mình, hãy đến nha sĩ để được khám và điều trị.

6. Răng nhiễm màu, đổi màu

Màu sắc răng khác với bình thường có thể do nhiều nhóm nguyên nhân: nhiễm màu nội sinh(dùng thuốc, bệnh bilirubin máu cao bẩm sinh – răng sữa màu xanh, nhiễm màu Porphyrin – răng màu nâu đỏ), nhiễm màu ngoại sinh( do thức ăn, nước uống có màu, các vi khuẩn sinh màu, các vết trám răng..), nhiễm Fluor, mòn răng, sau điều trị tủy, sau chấn thương gây chết tủy răng…

Điều trị: loại bỏ mảng bám, thay đổi môi trường miệng, tẩy trắng răng, phục hình thẩm mỹ với trường hợp nhiễm màu nặng.

7. Đau hàm hoặc có tiếng kêu trong hàm

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này, do đó gây khó khăn trong việc chẩn đoán. Những nguyên nhân có thể bao gồm do các bệnh ở xoang (xoang hàm, xoang sàng…), sâu răng, viêm khớp, chấn thương, nghiến răng, viêm nướu hoặc rối loạn hệ thống cơ khớp thái dương hàm (TMJ).

Điều trị: Nha sĩ sẽ thực hiện kiểm tra tổng quát, bao gồm cả việc chụp phim X quang, nhằm xác định chính xác nguyên nhân gây đau.

8. Sâu răng

Răng sữa hay răng vĩnh viễn đều có thể bị sâu nếu không vệ sinh đúng cách. Sâu răng dễ nhận biết qua sự thay đổi màu sắc, lỗ hổng trên răng.

Sâu răng nhẹ không gây đau, sâu răng nặng hơn gây ê buốt hay đau thoáng qua, sâu răng nặng gây viêm tủy đau dữ dội.

Điều trị: Dự phòng bằng cách chải răng kĩ càng, dùng chỉ tơ nha khoa, nước súc miệng. Nguyên tắc điều trị: chú ý điều trị dự phòng cho trẻ em, điều trị càng sớm càng tốt tránh để biến chứng viêm tủy.

9. Khô miệng

Khô miệng có thể là dấu hiệu của một bệnh toàn thân hoặc do tác dụng phụ của một số loại thuốc. Nước bọt là một trong những yếu tố chính phòng chống sâu răng. Nước bọt giúp rửa sạch thức ăn và mảng bám, trung hòa axit do vi khuẩn tạo ra trong miệng và cung cấp kháng thể trong miệng. Điều trị: Điều quan trọng nhất để xử lý tình trạng khô miệng là bạn phải nắm được nguyên nhân của bệnh, ví dụ như do vệ sinh không tốt hoặc mắc các bệnh như bệnh tiểu đường, thiếu máu, viêm khớp hoặc thậm chí là thấp khớp… Tìm ra nguyên nhân gốc rễ thì việc điều trị sẽ phù hợp hơn. Tuy nhiên, tốt nhất bạn vẫn nên giữ gìn để tránh tình trạng khô miệng

10. Viêm tủy răng

Do nhiều nguyên nhân, thường gặp do sâu răng nặng biến chứng vào tủy, răng chấn thương, mòn răng, nhiễm độc chì, thủy ngân, do viêm quanh răng…

Viêm tủy có nhiều dạng, có thể đau dữ dội, đau thoáng qua, hay không đau nhưng tiến triển âm ỉ và chỉ biểu hiện khi viêm cấp hay thấy sưng tấy vùng chân răng.

Điều trị: Nguyên tắc điều trị quan trọng nhất là làm sạch hết chiều dài ống tủy, hàn kín ống tủy, việc này đòi hỏi trang thiết bị đầy đủ, chụp x-quang kiểm tra kĩ càng. Có thể điều trị xong trong một lần hay nhiều lần.