Dạ Lan năm ấy – thương hiệu thành công vang dội nhờ phương thức quảng cáo có một không hai

07/11/2022

Với lối kể chuyện chân thành, giản dị, ông Trịnh Thành Nhơn, chủ sở hữu thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan đưa chúng tôi quay trở về những năm đất nước sau giải phóng, giai đoạn mà nghề sản xuất còn lắm gian nan… Dưới đây là chia sẻ chân tình từ ông Trịnh Thành Nhơn, chủ sở hữu Dạ Lan…

Mọi nhà xem chương trình ca nhạc Dạ Lan, từ đó tên Kem Đánh Răng Dạ Lan xuất hiện

Thời kỳ đầu, khi đất nước chuyển mình từ bao cấp sang kinh tế thị trường, hàng hóa thị trường Việt Nam tràn ngập hàng Trung Quốc, thương hiệu hàng hóa Việt hầu như rất ít và bị cạnh tranh mạnh mẽ. Giữa lúc đó hai thương hiệu kem đánh răng P/S và Dạ Lan trở thành niềm tự hào của người Việt. Tôi bắt đầu nghề sản xuất từ năm 1976, nhưng với sản phẩm xà bông chứ không phải kem đánh răng. Tôi làm xà bông bán cho thương nghiệp quốc doanh và các công ty công nghệ phẩm.

Nhà sản xuất thời đó được coi là “một cổ nhiều tròng”. Để có một hợp đồng mua bán thường phải qua cả chục “cửa” và tất nhiên không thiếu những khoản “bôi trơn”. Cuối cùng, người tiêu dùng là người chịu thiệt nhất. Còn người sản xuất cũng sống đời “ba chìm, bảy nổi”.

Năm 1988, kem đánh ra Dạ Lan ra đời nằm ngoài kế hoạch của tôi. Trong một buổi “trà dư tửu hậu”, vị giám đốc công ty công nghệ phẩm của tỉnh Nghĩa Bình cho biết ông còn tồn kho một số lượng lớn kem đánh răng bị hỏng do quá hạn.

Thấy đối tác làm ăn lâu năm của mình gặp khó khăn, tôi không thể làm ngơ. Vì vậy, tôi bèn đề nghị mua lại lô hàng hỏng với giá rẻ, đồng thời đổi lại lô hàng chất lượng cho ông.

Lúc đó, tôi nghĩ sẽ mua lô hàng hỏng về để… bán ve chai rồi liên hệ với các công ty sản xuất kem đánh răng để gia công hàng mới, không tính toán lời lỗ. Nhưng chuyện này hoá ra khó khăn hơn tôi nghĩ. Nhiều cơ sở sản xuất kem đánh răng thời đó như Rado, Như Ngọc… đều từ chối gia công hàng cho tôi.

Thật may, có người chỉ cho tôi kỹ sư Lưu Trung Nghĩa (tôi gọi thân mật là anh Tư). Lúc đó, anh Tư là Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của Công ty Kem đánh răng P/S. Còn nhớ, khi đứng trước ngôi nhà sang trọng của anh Tư, tôi nhìn lại chiếc xe Honda “cà tàng” của mình mà không dám bấm chuông. Nhưng trái với lo lắng của tôi, vị ân nhân ấy không chỉ nhận lời giúp một cách tận tình, mà còn vui vẻ mời tôi một chầu bia hơi gần nhà.

Chỉ qua một buổi nói chuyện, vị kỹ sư tài năng ấy đã giúp tôi từ A-Z, từ đầu tư máy móc thiết bị, thu mua nguyên liệu đến hướng dẫn sản xuất… Hầu hết máy móc tôi đầu tư sản xuất đều do Việt Nam chế tạo nên vừa rẻ, vừa hiệu quả.

Sau khi giao xong lô kem đánh răng cho công ty công nghệ phẩm của tỉnh Nghĩa Bình một cách thuận lợi, tôi quyết định chuyển hướng sản xuất kem đánh răng. Tôi lấy tên hai con trai là Sơn và Hải ghép lại thành nhãn hiệu Sonhai.

Hằng ngày, bà xã tôi chở 2 thùng kem đánh răng Sonhai (khoảng 100 tuýp) bằng xe Honda ký gởi ở các hợp tác xã. Tôi cùng một anh tài xế rong ruổi từ Đà Nẵng vào Cà Mau để tìm kiếm nơi bán hàng.

Thời đó, kem đánh răng Trung Quốc vừa nhiều, vừa rẻ, chúng tôi không thể cạnh tranh nổi. Ròng rã 2 năm trời, tôi thấy mình ngày càng đi sâu vào nơi tăm tối mù mịt, không tìm thấy lối ra.

Một ngày, đang trong cơn buồn bã, tôi chạy xe lòng vòng qua các con đường để lòng khuây khỏa. Bỗng nhà ai mở băng nhạc quen thuộc, với lời mở đầu “Đây là tình khúc Dạ Lan”. “Dạ Lan là một chương trình nhạc ai cũng thích, nhất là ở miền Nam. Bà xã mình lại tên Lan. Nếu đổi tên kem đánh răng Dạ Lan thì vừa ý nghĩa, lại vừa “đỡ” quảng cáo”, tôi nghĩ. Và kem đánh răng Dạ Lan đã ra đời như thế.

Dù đổi tên khá “bắt tai” nhưng tình hình bán hàng vẫn không mấy khả quan. Hầu hết hàng hóa đều phải ký gởi, không có tiền mặt, trong khi lãi suất vay rất cao, từ 10-15%/tháng. Những tưởng chúng tôi đã lâm vào cảnh phá sản thì một cơ duyên khác lại đến.

Tôi gặp được một anh bạn làm báo cho biết ở Hà Nội đang có hội chợ của Bộ Nội thương tổ chức. Anh bảo tôi thử đem hàng ra ngoài ấy bán xem sao. Thật là một cơ hội hiếm có! Nhưng lúc chuẩn bị ra Hà Nội, thú thật tôi không còn tiền nên đánh bạo lên Ngân hàng Sài Gòn Công Thương vay 100 triệu đồng.

Nghe tôi vay tiền để đi hội chợ, anh cán bộ tín dụng quyết không cho vì nguyên tắc chỉ cho vay sản xuất. May sao bà phó giám đốc ngân hàng hiểu hoàn cảnh khó khăn của tôi, đồng ý cho vay.

Có ngày, Kem đánh răng Dạ Lan được chở ra Bắc bằng 10 toa xe lửa

Tại hội chợ, chúng tôi được dành cho một gian hàng khá tốt. Nhưng hàng bày ra không mấy người mua, thậm chí tôi đề nghị ký gởi người ta cũng không nhận. Hai tuần lễ ròng rã tại hội chợ, chúng tôi thất bại thảm hại.

Nhận thấy tết đang đến gần, tôi mua 100 cuốn lịch và nhờ một ông thầy đồ đề chữ: “Cơ sở sản xuất Sơn Hải kính biếu”. Mỗi một cuốn lịch kèm theo 10 tuýp kem đánh răng Dạ Lan. Những người bán hàng ở chợ Đồng Xuân và các chợ khác nhận kem vì quý tấm lịch. Nhưng sau đó, họ chấp nhận dùng thử, rồi bày hàng của tôi lên bán.

Thời đó, Chợ Đồng Xuân là trung tâm phân phối hàng hóa các tỉnh phía Bắc. Vì vậy, hàng đã vào được chợ này sẽ là điều kiện thuận lợi để đi đến các tỉnh khác. Một vài ngày sau khi tặng lịch kèm kem đánh răng, những người bán hàng ở chợ đã chấp nhận mua, người nguyên thùng, người nửa thùng, tuy ký gửi cả nhưng thấy có tín hiệu tốt.

Qua hai ba ngày sau, chúng tôi ra hỏi thăm xem họ bán được không. Nào ngờ, thấy chúng tôi đến, có người lấy thêm 5 thùng, người lấy thêm 10 thùng. Thế là chúng tôi bán hết sạch container chỉ trong một tuần lễ mà vẫn còn người hỏi mua. Từ cuối tháng 11 đến Tết âm lịch, tôi bán được 10 toa xe lửa chở từ Nam ra Bắc.

Bạn có tưởng tượng được, mua kem đánh răng ở hội chợ được tặng Tivi

Tết đó, hai vợ chồng vui mừng thật sự vì trả bớt nợ ngân hàng. Đến mùng 4 Tết, đã có người gõ cửa hỏi mua 500 thùng. Mấy ngày sau, người Hà Nội vào lấy hàng liên tục. Đúng là chuyện nằm mơ tôi cũng không thể thấy được!

Có nhiều lý do khiến kem đánh răng Dạ Lan chinh phục thị trường miền Bắc. Thứ nhất, chất lượng của loại kem này hơn hẳn các loại kem đánh răng Trung Quốc. Thứ hai, chúng tôi sớm đưa chương trình khuyến mãi vào sản phẩm. Trong sản phẩm kem đánh răng lúc đó đã có tờ phiếu trúng thưởng. Phiếu 2 số 9 trúng một hộp kem đánh răng, 3 số 9 trúng 500 ngàn đồng, 4 số 9 trúng một chiếc tivi.

Vào những năm 1990, tivi lúc đó là đồ xa xỉ. Một nhà trúng tivi thì cả xã, cả huyện đều biết. Vì vậy, nhiều người nói “Dùng kem đánh răng là đổi đời!”. Ngoài ra, chúng tôi còn có chương trình tặng bàn chải đánh răng kèm theo khiến khách hàng rất thích.

Thậm chí, tôi còn tổ chức một nhóm người chuyên trả lời thư tay từ các tỉnh gởi về. Đến tết, chúng tôi in đến 1 triệu thiệp chúc tết để gởi cho những người hay gởi thư cho Dạ Lan.